1. Lý do học sinh sử dụng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn
- Thay đổi tâm sinh lý, muốn bắt chước người lớn.
- Nghĩ rằng đó là hành vi chứng tỏ sự trưởng thành, sành điệu.
- Bị rủ rê, mời mọc, thách đố.
- Tò mò, muốn thử cảm giác.
- Cảm thấy buồn chán hay stress vì chuyện gia đình, thay đổi tâm lý tuổi dậy thì hay sức ép học hành, thi cử…
2. Tác hại của thuốc lá và các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá
2.1. Tác hại của thuốc lá
- Tác hại đến sức khỏe người hút và người hít phải khói thuốc lá:
+ Khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư.
+ Nicotin là chất gây nghiện, gây cảm giác thèm đối với người sử dụng giống như thuốc phiện và Heroin làm người nghiện rất khó bỏ thuốc lá.
+ Khi hút thuốc, chất nhựa trong khói thuốc sẽ bám vào phổi như bồ hóng bám vào ống khói. Nếu hút 10 điếu thuốc lá một ngày, cơ thể sẽ phải hít vào 105g nhựa mỗi năm.
- Thuốc lá gây ra nhiều bệnh, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm dẫn đến tử vong:
+ Bệnh đường hô hấp: viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, hen phế quản, lao phổi...
+ Bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,…
+ Bệnh ung thư: ung thư phổi, ung thư thực quản,...
+ Gây rối loạn thần kinh, tiêu hóa, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi…
- Hút thuốc lá gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng tới sức khoẻ của người xung quanh khi họ hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động). Họ cũng có thể mắc phải các bệnh do thuốc lá gây ra như người hút thuốc lá chủ động.
- Gây tốn tiền mua thuốc, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống của bản thân, gia đinh và xã hội.
2.2. Tác hại của thuốc lá mới
- Việt Nam đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Các sản phẩm này hiện chưa được quy định trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá, chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành.
- Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc nicotine, làm suy yếu sự phát triển não bộ của thanh thiếu niên như nghiện, rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng học tập. Thuốc lá điện tử có nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội, kinh tế, môi trường.
2.3. Các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá
- Tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại cơ sở giáo dục, nơi làm việc, quyền của người không hút thuốc lá, trách nhiệm của người hút thuốc lá cho cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh.
- Thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông.
- Tham mưu Lãnh đạo nhà trường: Đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ và nhân viên nhà trường.
- Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nghiêm cấm việc mua, bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại trường học, trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.
- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá ngoài cổng trường. Phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương để hỗ trợ, tư vấn và cai nghiện thuốc lá cho người hút thuốc.
- Thực hiện tốt các tiêu chí của cơ sở giáo dục không khói thuốc lá:
+ Niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại.
+ Treo biển báo cấm hút thuốc lá trong phòng học, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang, các khu vực công cộng khác trong trường.
+ Ban hành và triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.
+ Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên nhà trường.
+ Không có gạt tàn, bật lửa trong phòng học, phòng làm việc...
+ Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
+ Không có hiện tượng hút thuốc, các đầu mẩu thuốc lá tại khuôn viên trường học.
+ Ký cam kết trường học không khói thuốc.
3. Tác hại của rượu bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn
3.1. Tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn
- Người say sẽ đi đứng lảo đảo, không làm chủ được hành vi và tác phong của bản thân, phát ngôn bừa bãi, phá phách, đánh nhau, con người trở nên liều lĩnh, hung dữ với chính bản thân họ và với những người khác, dễ đưa đến những hành vi vi phạm pháp luật.
- Say rượu, bia còn dễ gây các tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khoẻ học tập, công tác kém hiệu quả.
- Nồng độ rượu trong máu là 3% thì say rượu, làm rối loạn phản xạ thần kinh; đi loạng choạng, nhầm lẫn, trí nhớ giảm sút, tinh thần bất ổn. Nồng độ rượu trong máu từ 4% - 5% sẽ làm cho người say rượu mất tri giác hoàn toàn, liệt trung khu hô hấp, tuần hoàn gây ngừng thở, ngừng tim, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
- Uống bia về cơ bản cũng có hại như uống rượu. Tác hại của bia cũng có thể lớn hơn rượu do người uống bia thường uống rất nhiều. Lượng cồn vào cơ thể khi uống rất nhiều bia sẽ lớn hơn khi uống rượu.
- Các bệnh phổ biến do rượu, bia gây ra là:
+ Đường tiêu hóa: viêm và chảy máu thực quản, dạ dày, ruột; rối loạn tiêu hóa; viêm lá lách; viêm gan; xơ gan...
+ Các bệnh tim mạch: giảm lượng bạch cầu trong máu; giảm khả năng đông máu; tim to; nhịp tim rối loạn…
+ Các bệnh thần kinh: rối loạn dinh dưỡng của hệ thần kinh; rối loạn bộ nhớ và suy nghĩ; thoái hóa tiểu não...
- Rượu, bỉa còn gây suy yếu và hủy hoại cơ bắp, sưng đau các khớp, ảnh hưởng xấu đến thai nhi, làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan.
3.2. Các biện pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn trong các cơ sở giáo dục
- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia, đồ uống có cồn đối với sức khỏe và xã hội; tuổi được phép mua, được phép uống rượu, bia và đồ uống có cồn; kỹ năng từ chối uống rượu, bia.
- Cấm cán bộ, nhân viên và giáo viên uống rượu, bia và đồ uống có cồn trước/trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa 2 buổi của ngày làm việc/ngày trực; không uống rượu, bia, các chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Đẩy mạnh chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xã hội và tội phạm do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây ra với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, xã hội và cộng đồng.
- Đưa nội dung phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm uống rượu bia và đồ uống có cồn vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ, nhân viên và học sinh. Không bán rượu bia và đồ uống có cồn trong trường học, căng tin, nhà ăn tập thể.
- Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán, tiếp thị các sản phẩm rượu bia và đồ uống có cồn trong và xung quanh trường học. Phối hợp với cơ sở y tế địa phương để chủ động phát hiện sớm, can thiệp giảm tác hại cho người đã lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn.